Trường Trung học cơ sở Hải Phương, tiền thân là trường cấp 2
Quốc lập Hải Hậu được thành lập từ năm 1951. Thời điểm đó, quê hương Hải Phương
là vùng bị địch chiếm đóng. Những đồn bốt của địch được lập lên như Bốt Văn
Đàn, Bốt Đông Biên để vây ráp và đàn áp cách mạng nên trường phải sơ tán về học
tại Hải Tiến, Hải Cường, Hải Long.
Quê hương được giải phóng, đến năm 1956, trường lại trở về
Hải Phương. Tại đây nhà trường đã thu hút rất đông học sinh (ở độ tuổi cấp II,
cấp III hiện nay) trong toàn huyện Hải Hậu và học sinh của các huyện Trực Ninh,
Xuân Trường, Nghĩa Hưng cùng những người con của quê hương Miền Nam tập kết ra
Bắc đến học tập. Trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ kháng chiến, thầy và trò
nhà trường vừa giảng dạy, học tập tốt, vừa tiếp tục tập trung ổn định trường
lớp, vừa tham gia công tác kháng chiến, vừa vận động toàn dân tham gia giáo
dục...Dưới mái trường cấp 2 Quốc lập Hải Hậu, nhiều học sinh đã trưởng thành,
trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước, trong quân đội, là những Giáo
sư, Tiến sĩ, nhà doanh nghiệp lớn. Đại diện tiêu biểu là Viện sĩ - Giáo sư -
Tiến sĩ khoa học, Nguyên Viện trưởng viện kinh tế thế giới Vũ Đại Lược; Giáo sư
- Tiến sĩ toán - Trưởng
khoa Toán - Tin trường Đại học sư phạm I Hà Nội Phạm Văn Kiều; Anh hùng quân
đội Kim Ngọc Quảng; Tiến sĩ - Nguyên chủ nhiệm Ủy ban văn hoá Quốc hội Trần Thị
Tâm Đan; Thiếu tướng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Nguyễn
Văn Khá; Tổng Giám đốc may xuất khẩu Nam Định Trần Thị Hạc...
Năm 1961, do nhu cầu của giáo dục ngày
càng phát triển, các loại hình trường lớp được mở rộng, từ đó trường chính thức
mang tên trường cấp II Hải Phương. Mùa xuân năm 1961, mùa xuân cả nước thi đua
lao động sản xuất thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã
hội, phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt, thầy và trò nhà trường vừa tập
trung ổn định trường lớp, vừa tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”,
vừa tham gia phục vụ kháng chiến và lao động sản xuất. Vì vậy năm 1961 trường
được UBHC tỉnh Nam
Định tặng “Lá cờ đầu ngành giáo dục phổ thông của tỉnh”. Năm 1961 tổ KHTN được
tặng danh hiệu tổ đội lao động XHCN. Năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc
Mĩ lan rộng ra tất cả các tỉnh, thành phía Bắc, các lớp học của trường được sơ
tán học tại nhà dân, học ở đình làng, học trong nhà thờ. Các thầy cô giáo vừa
giảng dạy tốt, vừa tham gia kháng chiến, vừa phục vụ kháng chiến vừa không
ngừng tự học, tự bồi dưỡng. Năm 1965 Tổ KHXH được tặng danh hiệu tổ đội lao
động XHCN. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy và trò nhà trường
hăng hái xung phong nhập ngũ. Tiêu biểu là thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Độ, thầy
giáo Phạm Ngọc Mai, Nguyễn Đức Dương cùng 136 học sinh xếp bút nghiên lên đường
đánh Mĩ. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại, thần thánh của dân tộc thầy hiệu trưởng
Trần Hữu Độ cùng 87 học sinh của trường đã anh dũng hi sinh. Tấm gương của thầy
và trò đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng dân tộc. Cũng trong giai đoạn này,
nhà trường thực hiện tốt các phong trào “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”, “Ba
đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”. Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
giáo dục toàn diện đức, trí, thể mĩ.
Từ năm 1961 đến năm
1975, năm nào nhà trường cũng được nhận Cờ thưởng, Bằng khen, Giấy khen của các
cấp trao tặng cho tập thể và cá nhân. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, thầy và
trò được tôi luyện, trưởng thành. Tiêu biểu như nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu;
Đại tá - Tổng biên tập báo Sài gòn giải phóng Trần Thế Tuyển... Đặc biệt tấm
gương học sinh vượt khó vươn lên được cả nước biết đến sau này là Nhà giáo ưu
tú - Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.
Năm 1974, trường cấp II Hải Phương sáp nhập với trường cấp I
Hải Phương thành trường PTCS Hải Phương. Sau cuộc tổng tiến công đại thắng mùa
xuân năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, cùng với sự chuyển mình của
đất nước sau chiến tranh, nhà trường cũng náo nức chuyển mình theo. Nhà trường
tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Đặc biệt là vận động
toàn dân tham gia giáo dục. Chính vì vậy nhà trường đã triển khai thành công
cải cách giáo dục và thay sách các khối lớp. Không chỉ đạt thành tích cao trong
giáo dục văn hoá, nhà trường còn đạt những thành tích cao trong giáo dục thể
chất, thẩm mĩ, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ. Với những thành tích xuất
sắc toàn diện đã đạt được, năm 1979 nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng
thưởng Huân chương lao động hạng Ba.
Tháng 6 năm 1986, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ điều chỉnh về địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Định, Hải
Phương chuyển 2 xóm Đông Cường và Xăng Ty về thị trấn Yên Định, trong đó có cơ
sở trường phổ thông cơ sở Hải Phương. Tại địa điểm trường mới (Trường THCS Hải
Phương hiện nay ) nhà trường nhanh chóng ổn định trường lớp, tiếp tục vận động
toàn dân tham gia giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường; tiếp tục
triển khai chương trình thay sách các khối lớp. Đặc biệt trong giai đoạn này
nhà trường là đơn vị dẫn đầu trong huyện về việc đưa lao động hướng nghiệp dạy
nghề vào trong trường. Mô hình V-A-C (Vườn, Ao, Chuồng) của xã Hải Phương vào
thời điểm đó đã được triển khai áp dụng trong toàn huyện.
Cũng trong giai đoạn này, phong trào làm đồ dùng dạy học,
viết sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy được các
thầy cô say sưa nghiên cứu nên có nhiều đồ dùng dạy học, sáng kiến kinh nghiệm
được đánh giá cao ở Tỉnh và Quốc gia. Tiêu biểu như Bộ đồ dùng thiết bị dạy
toán của thầy Nguyễn Đình Huệ đạt giải A toàn quốc. Bộ thiết bị “Dạy hình học
không gian” của thầy Hiệu trưởng Lê Ngọc Khoa đạt giải nhất toàn quốc. Bộ thiết
bị “Dạy môn Ngữ văn” của cô giáo Vũ Thị Minh Phương đạt giải nhất cấp Tỉnh.
Sáng kinh nghiệm “Công tác xã hội hoá giáo dục” của thầy Lê Ngọc Khoa được báo
cáo toàn quốc. Sáng kiến “Giáo dục học sinh vùng giáo” của cô giáo Nguyễn Thị
Lan đạt giải A cấp Tỉnh. Ghi nhận những thành tích mà nhà trường đạt được trong
phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và lao động sản xuất, hướng nghiệp; Nhà
nước đã tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhì cho tập thể sư phạm nhà
trường.
Năm 1993, thực hiện Quyết định của UBND huyện tách trường
phổ thông cơ sở Hải Phương thành trường cấp I Hải Phương và trường cấp II Hải
Phương. Từ năm 1993 đến nay nhà trường luôn xác định thi đua dạy tốt, học tốt
để nâng cao chất lượng văn hoá, giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh giỏi là
mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm mà nhà trường luôn duy trì và phát huy. Đồng
thời nhà trường chú trọng công tác phổ cập giáo dục THCS, tập trung huy động
triệt để học sinh trong độ tuổi đến trường, duy trì tốt số lượng học sinh, phân
công một số giáo viên đảm nhận giảng dạy các lớp giáo dục thường xuyên. Vì vậy
năm 1995 Hải Phương là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập
giáo dục THCS. Hiện nay nhà trường đang tích cực triển khai công tác phổ cập
giáo dục trung học. Trong phong trào xây dựng trường học có nếp sống văn hoá và
xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, nhà trường là đơn vị tiên phong của huyện.
Năm 1999 trường là đơn vị đầu tiên của huyện được UBND Tỉnh tặng Bằng công nhận
“Trường học có nếp sống văn hoá”. Năm 2002 trường là đơn vị đầu tiên của huyện,
một trong ba trường đầu tiên của Tỉnh được công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc
gia” giai đoạn 2001 - 2010. Nhà trường còn là đơn vị xuất sắc của huyện trong
việc triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “ Dân chủ, kỷ cương, tình thương,
trách nhiệm”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,
cuộc vận động “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng
tạo”, cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân
thiện, học sinh tích cực”. Trường còn là đơn vị dẫn đầu trong công tác “Đền ơn
đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn vệ sinh học đường, phòng chống tệ nạn
xã hội, xây dựng nhà trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”; thực
hiện “An toàn trường học” vì mái trường bình yên không có ma tuý và tệ nạn xã
hội.
Dưới mái trường Hải Phương lớp lớp các thế hệ học sinh
trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội,
những nhà khoa học, nhà doanh nghiệp lớn, nhà quản lý giáo dục các cấp... đã và
đang cống hiến tài năng, trí tuệ, công sức cho đất nước, cho quê hương. Hiện nay
xã Hải Phương có khoảng 800 người (chiếm trên 10% dân số) có trình độ Cao đẳng,
Đại học trở lên, trong đó có 1 giáo sư, 7 tiến sĩ. Mỗi năm Hải Phương có từ 40
đến 60 học sinh thi đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học. Con số đó là minh
chứng sáng ngời cho truyền thống dạy tốt, học tốt của các cấp học ở Hải phương,
đặc biệt là cấp THCS.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, trong bất cứ hoàn
cảnh nào: khi sơ tán, khi sáp nhập trường, khi chuyển địa điểm mới, khi tách
trường và ngày nay, nhà trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục đào
tạo. Liên tục từ năm 1961 đến nay trường được công nhận là “ Trường tiên tiến
xuất sắc”, “Tập thể lao động xuất sắc” của huyện và tỉnh, lá cờ đầu bậc giáo
dục THCS của huyện.
Vinh dự và tự hào trong 60 năm xây dựng và phát triển trường
được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động cao quý: Hạng Ba năm 1979;
Hạng Nhì năm 1989; Hạng nhất năm 1995 và năm 2006 cùng nhiều Cờ khen, Bằng
khen, Giấy khen của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành Trung ương, Tỉnh, Huyện
trao cho các tập thể, cá nhân. Đặc biệt 5 thầy cô giáo và học sinh của trường vinh dự được Nhà nước phong
tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”. Năm 2011 nhân kỉ niệm 60 năm thành lập
trường, nhà trường được đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh, Cờ thi đua của Chính
Phủ và được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo
dục cấp độ 3 ( Cấp độ cao nhất); chi bộ Đảng luôn luôn được công nhận là chi bộ
trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể là tập thể tiên tiến xuất sắc; hai tổ
chuyên môn: Tổ KHTN 47 năm, tổ KHXH 43 năm liên tục được công nhận là “Tổ đội
lao động XHCN”; “Tập thể lao động xuất sắc”.
Viết lên trang sử truyền thống trên là do nhà trường luôn
luôn có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các thế hệ tâm huyết, nhiệt tình,
say sưa với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người; yêu nghề, mến trẻ; đoàn
kết; sáng về tâm đức, giỏi về chuyên môn; hết lòng vì mái trường truyền thống
quê hương. Đảng bộ chính quyền và nhân dân Hải Phương các thế hệ có truyền
thống chăm lo cho giáo dục, công tác xã hội hoá giáo dục ở Hải Phương trở thành
một nét đẹp truyền thống tự hào. Các thế hệ học sinh Hải Phương trưởng thành,
công tác dù ở đâu cũng luôn hướng về mái trường mới tấm lòng tri ân sâu sắc,
động viên thầy và trò hôm nay vững bước đi lên và toả sáng.
60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn thử
thách, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã đoàn kết, không ngừng
nỗ lực phấn đấu để xây dựng trường là trung tâm văn hoá của địa phương, góp
phần bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước; góp phần vào sự nghiệp công
nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Trong giai đoạn tới đây, nhà trường xác định thuận lợi lớn,
nhưng khó khăn thử thách cũng không phải là ít. Song dù khó khăn đến đâu trường
THCS Hải Phương quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tiếp tục thi
đua “Dạy tốt, học tốt”; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm của
trường để mãi mãi một niềm tin, mãi mãi là điểm sáng giáo dục của huyện và
tỉnh.
(Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lan - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường)